Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

UBTV Quốc hội bàn về dự án Luật Tiếp công dân

Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân. Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội (khóa XIII) xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 5.
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII sáng 19-3.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tiếp công dân gồm 10 chương, 71 điều, quy định về việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, của công chức tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Trụ sở tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân; khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác tiếp công dân.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp công dân. Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật có quy định về hoạt động tiếp công dân như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các Nghị định quy định chi tiết một số điều của các luật nói trên. Tuy nhiên, nội dung, cách thức tổ chức tiếp công dân theo các văn bản quy phạm pháp luật này và nhiều quy định pháp luật khác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm tiếp công dân, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, mô hình tổ chức trụ sở tiếp công dân ở trung ương với địa phương, về trách nhiệm phối hợp tiếp và xử lý trường hợp các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin...

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có các báo cáo sâu về tình hình thực tế công tác tiếp công dân hiện nay, kinh nghiệm các nước trong hoạt động tiếp công dân; đồng thời thể hiện được tính khả thi của dự án Luật sau khi được ban hành để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hầu hết các chương, điều trong dự thảo Luật chỉ mới tập trung quy định về công tác tiếp công dân trong các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng trong thực tế, các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau trong việc tiếp công dân.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hóa các quy định về tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước khác ngay trong Luật Tiếp công dân.

Đối với quy định tại Chương IV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Trụ sở tiếp công dân, việc tiếp công dân ở cấp bộ, cấp huyện, cấp xã, theo Tờ trình của Chính phủ, Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật - lại cho rằng Trụ sở tiếp dân là địa điểm để công dân có thể trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không thể coi đây là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong dự thảo Luật vì vô hình chung sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...

 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, việc bố trí vị trí của trụ sở, địa điểm tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, địa điểm tiếp công dân.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có được quy định thống nhất về vấn đề này.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng một số quy định trong dự án Luật còn rườm rà, có những nội dung còn có sự trùng lặp giữa các chương hoặc nhắc lại quy định đã có trong các văn bản luật khác (đặc biệt là Luật khiếu nại và Luật tố cáo). Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật để Luật thực sự là văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác tiếp công dân...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét