Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Hà Nội gỡ khó, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp

Khẳng định vốn được xem như là máu của cơ thể, khó khăn nhất của doanh nghiệp vẫn là cơ chế chính sách và tiếp cận nguồn vốn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần phải tính đến các giải pháp thế chấp và bảo lãnh phù hợp để giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

Ngày 22/3, tại Hội nghị triển khai các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết năm 2012, thành phố đã không thu 13.000 tỷ đồng tiền thuế của các doanh nghiệp và năm nay tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất và đề nghị các cấp ban, ngành đơn vị triển khai khẩn trương, hiệu quả.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm vực dậy nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn hiện nay.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển, hiện nay vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp vẫn là tiếp cận với nguồn vốn. Khi đi vay, ngân hàng quy định phải có tài sản thế chấp, nhưng với là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp là bài toán khó.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương không ngần ngại đánh giá, các doanh nghiệp hiện mất niềm tin vì tình trạng các cơ quan chức năng khi ban hành các văn bản, chính sách vẫn chưa quan tâm nhiều đến tính khả thi và có đi vào thực tiễn hay không.

Ngoài ra, thành phố hiện đã có Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hoạt động lại quá mờ nhạt. Những yếu tố bất cập nêu trên phần nào làm cho doanh nghiệp “nản lòng”.

Ông Vương nhấn mạnh, hiện nay thành phố đang khuyến khích phát triển và thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Nhưng trong thực tế, để thu hút được các dự án lớn đầu tư vào địa bàn thì phát triển công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa lại rất quan trọng mà thành phố cũng cần quan tâm.

Ý kiến của ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho rằng, các doanh nghiệp FDI thường không đầu tư vào những vùng khó khăn, mà những nơi này chủ yếu do doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia nên việc có cơ chế ưu đãi cho đối tượng này là rất cần thiết.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thể hiện sự quyết liệt và vai trò trách nhiệm cao trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho biết, sẵn sàng tiếp nhận và giới thiệu các doanh nghiệp đến các địa chỉ các ngân hàng cho vay vốn, phù hợp với từng đối tượng.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn thì khẳng định, sẽ không để một tiêu cực nào xảy ra trong quá trình làm thủ tục gây phiền hà, tính thuế không đúng, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong năm nay thành phố sẽ bổ sung nguồn quỹ để hỗ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ lãi suất...

Đề cập đến hàng tồn kho, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, xây dựng với lượng tồn gần 5.800 căn hộ chung cư, hàng ngàn căn biệt thự của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, một mặt chính quyền tích cực hỗ trợ nhưng mặt khác các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm đầu ra, tăng cường hợp tác, không thể ngồi chờ chính sách hỗ trợ.

Tình trạng doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, găm hàng chờ giá cao thì khả năng xẩy ra thiệt hại là không tránh khỏi. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất mà thành phố đưa ra lúc này là Nhà nước mua lại các căn hộ thương mại để chuyển sang nhà tái định cư, thu nhập thấp. Mặc dù, thành phố đã gửi văn bản đề nghị, mời chào các chủ đầu tư bán lại nhưng các doanh nghiệp lại không mặn mà.

Tới đây, thành phố Hà Nội sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khôi phục và nâng cao chỉ số cạnh tranh; sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và thành lập Ban chỉ đạo thay cho tổ giúp việc như hiện nay để tháo gỡ khó khăn kinh tế, trong đó có cả các doanh nghiệp tham gia./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét