Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Vụ kiện 'đường lưỡi bò' - phép thử luật pháp quốc tế của Philippines

Vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines là phép thử về tích hữu ích thực sự của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp, nhưng Manila đang vấp phải những trở ngại lớn là chu trình pháp lý dài và lập trường không hợp tác của Bắc Kinh. 
arbitral-tribunal-delegates-JP-1925-7363
Đoàn đại biểu Philippines tham dự vụ kiện ở Hà Lan. Ảnh: Abigail Valte
Philippines được nhiều quốc gia trên thế giới ca ngợi vì họ là nước đầu tiên kiện Trung Quốc lên tòa. Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan ngày 7/7-13/7 nghe giải trình của Philippines và sẽ quyết định xem tòa có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không trong năm nay.
Richard Javad Heydarian, chuyên gia địa chính trị từ Đại học De La Salle, Philippines nhận định rằng chính quyền Aquino đã thực hiện một quyết định táo bạo khi trực tiếp thách thức Trung Quốc, không phải bằng vũ lực, mà bằng ngôn ngữ của pháp luật.
Theo cây bút Prashanth Parameswaran của The Diplomat, vụ kiện này mang ý nghĩa quan trọng vì đây là nỗ lực mạnh mẽ để gỡ rối tranh chấp Biển Đông theo quy định của pháp luật, chứ không phải là cách tiếp cận kiểu "lý lẽ thuộc về kẻ mạnh" mà Trung Quốc sử dụng trong vài năm qua.
Về lý thuyết, phiên điều trần vừa qua chỉ giới hạn xoay quanh câu hỏi về thẩm quyền của tòa án, thế nhưng Philippines đã đưa ra các tuyên bố vượt xa phạm vi hạn hẹp đó để nhấn mạnh ý nghĩa tột cùng của vụ kiện. Manila cho rằng vụ kiện này là phép thử cho tính thiết thực của luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng vụ kiện không chỉ quan trọng đối với Philippines mà còn với "pháp trị trong quan hệ quốc tế" nói chung, đặc biệt là việc thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS cho phép "các nước yếu thách thức các nước mạnh trên cơ sở bình đẳng, với niềm tin rằng quy định vượt qua sức mạnh; pháp luật vượt qua vũ lực. Theo lập luận đó, nếu quá trình giải quyết tranh chấp bằng tòa án độc lập này thất bại, thì mặc nhiên phần thắng đã thuộc về những bên cho rằng "lý lẽ thuộc về kẻ mạnh".
Tuyên bố của del Rosario rõ ràng nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế "sức mạnh áp đảo" của Trung Quốc ở Biển Đông. "Lập trường và hành động của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và khó nắm bắt" và "cần phải có sự can thiệp của tư pháp", ông del Rosario nói.
Trong khi Manila nhìn nhận vụ kiện của mình là một phép thử về luật pháp quốc tế, Trung Quốc lại phản bác rằng vụ kiện của Philippines "thực tế là chiêu trò khiêu khích chính trị" để "buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp về tranh chấp". Bắc Kinh còn nói rằng mình là nạn nhân trong vấn đề Biển Đông và đã kiềm chế tối đa vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bắc Kinh biết rằng nước này sẽ gặp khó khăn khi biện minh về yêu sách "đường 9 đoạn", giáo sư  Alexander Proel, một học giả châu Âu hàng đầu về luật hàng hải nhận định. "Tôi không tin rằng Trung Quốc có thể cung cấp được bằng chứng cần thiết liên quan đến các vùng mà nước này tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông", ông nói.
Thẩm quyền của tòa
Theo Tiến sĩ Xue Li, chủ nhiệm khoa Chiến lược Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh tin rằng vụ kiện nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông, vì thế tòa án không có thẩm quyền thụ lý. Còn với Philippines, vụ kiện nhằm yêu cầu trọng tài phán quyết xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa có tuân thủ UNCLOS hay không, và vấn đề này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của tòa. Trước sự bất đồng ý kiến giữa hai nước như vậy thì bên thứ ba có thể kết luận rằng vụ án thuộc phạm vi trách nhiệm của tòa án, trừ khi Trung Quốc đưa ra được bằng chứng phản bác.
Lập trường của Trung Quốc về thẩm quyền của trọng tài mang nặng tính chủ quan, do vậy, hiệu quả pháp lý của nó khá hạn chế. Ngoài ra, theo pháp luật của chính Trung Quốc thì quyền quyết định thuộc thẩm quyền của toà chứ không phải một trong hai bên trong vụ kiện.
Nếu như tòa án trọng tài quốc tế quyết định rằng cơ quan này có thẩm quyền thụ lý vụ việc thì các bên tranh chấp và liên quan khác sẽ tích cực hơn trong việc tận dụng UNCLOS để kiềm chế Trung Quốc. Một số học giả quốc tế còn đưa ra khả năng thành lập một "ủy ban hòa giải" (theo Phụ lục V của UNCLOS) như một cơ chế khác để giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình.
Khó khăn
Vụ kiện của Philippines đặt tòa trọng tài vào thế khó. Nếu hội đồng tòa án quyết định rằng họ không có thẩm quyền xử lý và từ chối nghe lập luận từ Philippines, thì các nước sẽ nghi ngờ tầm quan trọng và tính thiết thực của việc giải quyết xung đột bằng luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, nếu họ quyết định tiếp tục thúc đẩy phiên tòa và đưa ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh thì có nguy cơ rất lớn rằng hội đồng trọng tài "sẽ bị Trung Quốc, nước thế lực nhất trong khu vực, phớt lờ và chế giễu", Giáo sư Matthew C. Waxman tại Đại học Columbia nhận định. Một ngày sau khi kết thúc phiên điều trần thứ nhất, Trung Quốc đã kêu gọi Philippines từ bỏ vụ kiện mà thay vào đó là đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh.
Nhiều học giả quốc tế đồng ý rằng Trung Quốc phải là bên đầu tiên làm rõ yêu sách chủ quyền của mình. Tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra không rõ ràng và thống nhất. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa rõ Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, hay chỉ là các thực thể, thủy sản và tài nguyên hydrocarbon trong khu vực. Nếu Trung Quốc không làm rõ tọa độ chính xác trong yêu sách của mình, thì các bên tranh chấp và liên quan sẽ khó có thể đưa ra được kế hoạch đối phó chung khả thi.
Thực tế, tòa trọng tài vẫn để cửa mở cho Trung Quốc. Bắc Kinh có thời hạn đến ngày 17/8 để hồi đáp với toà và họ sẽ đưa ra phán quyết trong năm nay.
Mặt khác, nhà phân tích địa chính trị Richard Heydarian bày tỏ lo ngại rằng trong khi Philippines mải mê đánh về mặt pháp lý thì Bắc Kinh đã kịp hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
"Chúng ta phải thực tế", ông nói. "Chu trình pháp lý diễn ra rất chậm. Có thể mất 1-3 tháng chúng ta mới được biết tòa có thẩm quyền xử lý hay không. Philippines đã bỏ ra hơn hai năm vào vụ kiện này, vậy mà đến giờ mới chỉ chạm đến vấn đề thẩm quyền của tòa".
Bắc Kinh "đang xây dựng đảo nhân tạo có đường băng", Heydarian nói. "Tôi lo rằng, nếu Trung Quốc giữ tốc độ hiện tại thì nước này sẽ phát triển bộ khung xương cho vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Về cơ bản, Trung Quốc có thể thống trị vùng trời và vùng biển, ngăn các bên liên quan tiếp tế quân đội" tại Biển Đông.
"Trung Quốc có thể thống trị thực địa, trong khi chúng ta vẫn còn cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý nặng nhiều về tính biểu tượng". Heydarian nhận định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét