Từ một cô bé giỏi mò cua, bắt ốc, nhọc nhằn với hơn 1 mẫu ruộng cùng mẹ, cô gái Nam Định Nguyễn Thị Huyền đã tỏa sáng rực rỡ, đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam.
Có về quê của Nguyễn Thị Huyền ở xã Yên Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định mới có thể hiểu được phần nào nỗi nhọc nhằn mà "nữ hoàng điền kinh Việt Nam" trải qua để có được hào quang rực rỡ của hôm nay.
Huyền có một tuổi thơ khốn khó, lớn lên trên đôi bàn tay tảo tần của mẹ. Mẹ sinh Huyền ra đầy vất vả trong sự không chia sẻ của nhiều người. Khi mới chỉ được vài tháng tuổi, không có ai trông con, mẹ đành bế Huyền ra đồng làm ruộng.
Mẹ trải lá chuối đặt Huyền nằm đầu bờ ruộng và bảo chị em trông coi, nhưng chị Huyền từ nhỏ đã "ngây ngây dại dại" nên kéo em ra giữa đường. Bất chợt có một con trâu lồng chạy ngang qua, may mắn con trâu lại chừa chỗ cô bé đang nằm để đến giờ thể thao Việt Nam có một VĐV đi vào lịch sử của điền kinh Việt Nam bằng việc giành một lúc 2 chuẩn Olympic ở 2 cự ly 400m và 400m rào.
Một mình mẹ Huyền nuôi hai con gái nhỏ, đứa lớn không tinh khôn, đứa bé quá nhỏ dại (hai chị em chênh nhau 8 tuổi) trong khi nhiều người không chia sẻ lại hay ác lời.
Ngay từ nhỏ Huyền đã cảm nhận được rằng gia đình mình vất vả nên cần cố gắng. Sáng sớm khi những đứa bạn đồng trang lứa còn đang ngon giấc, Huyền đã ra đồng bắt cua giúp mẹ rồi về mới đi học, trưa đến lại lội bùn bắt ốc, đêm đến giã cua cho mẹ đi bán. Suốt ngày quần quật cùng mẹ.
Ba mẹ con không có nhà ở. Mẹ Huyền chắt chiu mãi mới mua được miếng đất đến giờ vẫn không có sổ đỏ, miếng đất này cũng nằm ở chỗ hẻo lánh mà nhiều dân làng bảo chẳng biết nhà cô Huyền ở đâu cho đến khi có "các bác ở trung ương" về mới đến ngó cho biết. Mái nhà của ba mẹ con lợp bằng rạ nên hễ cứ gió to là tốc hết mái, Huyền lại giúp mẹ làm công việc của người đàn ông trong nhà, bắc thang sửa lại mái.
Nhà có hơn 1 mẫu ruộng, vất vả chỉ có hai mẹ con, Huyền hết mò cua, bắt ốc lại cấy cày cùng mẹ. Thế nhưng cuộc sống vẫn đầy chật vật, ba mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Cuộc sống của cả gia đình Huyền thuộc diện khó khăn nhất xã Yên Minh chỉ được cải thiện khi Huyền trở thành VĐV điền kinh. 15 tuổi bước vào cuộc đời VĐV, những đồng lương ít ỏi được Huyền chắt bóp gửi về cho mẹ. Chỉ sau một năm tập luyện, cô liên tục đạt huy chương và những đồng tiền thưởng lại được chắt chiu giúp mẹ, giúp chị.
Đến nay Huyền đã giành được 27 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ và vừa được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Số tiền thưởng cứ nhân lên giúp cho cuộc sống của ba mẹ con nhà cùng khổ ở xã Yên Minh bớt nhọc nhằn.
Huyền bảo từ trước đến giờ nhà chỉ có 3 mẹ con thui thủi một mình, chưa bao giờ hàng xóm đến chơi đông vui. Thế nhưng khi nghe tin cô đoạt HCV SEA Games, người nọ rỉ tai người kia, tất cả đều dõi theo tin tức của cô trên tivi.
Khi nghe tin cô được Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm, tất cả đều gác lại việc nhà nông để đến nhà Huyền. Có người biết tin muộn, đang cấy dưới đồng cũng vội tuốt bùn chạy đến, đường làng đông như trẩy hội, nhiều người bảo nhau "vui như đám cưới".
Con đường nhỏ dẫn vào nhà Huyền, một bên là ruộng đồng đang chuẩn bị cho vụ mùa, chật ních người. Không chỉ xã Yên Minh, bà con ở xã bên cạnh cũng kéo sang. Lần đầu tiên Yên Minh được đón một nhân vật quan trọng đến vậy, cùng đi theo còn có nhiều nhà báo vác máy ảnh tất bật ngược xuôi khiến bà con mắt tròn, mắt dẹt, nhiều người cũng cố chen chân dùng điện thoại quay lại giây phút vinh dự nhất mà cả làng được hưởng.
Lần đầu tiên nhà Huyền được nở mày, nở mặt ở thôn quê lắm dị nghị này. Huyền bảo lúc bác Nguyễn Thiện Nhân chưa về, cô hồi hộp cứ run bắn cả người, sợ không thể nói được khiến một chị hàng xóm bảo: "Chị có cách này giúp em giữ được bình tĩnh. Khi thấy bác, chị sẽ véo em một cái thật mạnh, đau một tí nhưng như thế sẽ "tỉnh" ra".
Và khi bác Nhân đến thì Huyền nhận được một cái véo đau điếng. Cô bỗng bình tĩnh, nói năng lưu loát hơn hẳn. Được tặng quyển sổ tiết kiệm 400 triệu đồng, Huyền cho biết cô sẽ dùng vào việc thuốc thang cho mẹ. Mẹ cô trước vất vả giờ ốm đau, bệnh tật nhiều, lại thêm chị gái không làm chủ được hành vi, có lúc lên cơn đẩy ngã mẹ, xô đổ cả cửa mà cũng không biết. Hôm cả làng đón Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam về vẫn ngơ ngác hỏi "quà đâu?" như một đứa trẻ. Vì thế, Huyền luôn canh cánh lo cho mẹ, cho chị khi đi xa nhà.
Huyền rất vui vì sau khi đạt thành tích tại SEA Games 28 đã được lãnh đạo tỉnh xem xét chuyện vào biên chế. Giờ lại được tặng số tiền lớn. Nếu tính cả số tiền thưởng sau SEA Games, cô cũng tích lũy được số tiền lên tới hơn 700 triệu đồng. Với một gia đình thuần nông, thuộc diện khó khăn, số tiền này cực lớn.
"Giờ em chỉ biết chuyên tâm vào tập luyện. Thực ra em cũng không thấy cần thiết phải đi Mỹ tập huấn cho tốn kém. Nếu ở nhà được tập luyện với đầy đủ trang thiết bị, với thầy Lợi, có đồng đội nam làm quân xanh, thỉnh thoảng được đi thi đấu cọ xát quốc tế... thế là em có thể cải thiện thành tích", Huyền nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét