Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

18 người chết trong lũ lịch sử ở Quảng Ninh


Sau 4 ngày mưa như trút nước gây lũ quét, sạt đất làm chết 18 người, 6 người mất tích, khu dân cư ngập sâu 3 m, sáng 29/7, mưa đã ngớt dần.

  • 13h00
    icon
    Mưa lớn ào ào đổ xuống tập trung ở TP Hạ Long,TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn. Lượng mưa thực tế lớn hơn nhiều so với dự báo. "Nước cứ như đổ từ trên trời xuống khiến không kịp thoát. Địa phương trở tay không kịp, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hơn 50 năm sống ở Quảng Ninh, chưa bao giờ tôi chứng kiến mưa lụt lớn như vậy", ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói lớn.
    Theo ông Long, Quân khu 3 đã điều động bộ đội, xe đặc chủng xuống địa bàn, đưa người dân sơ tán khỏi vùng dễ sạt lở. Bộ Tư lệnh Hải quân cũng tham gia cứu hộ cứu nạn.
    quandoi1-7990-1438066669.jpg
    Xe quân sự của Quân khu 3 tới phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả để sơ tán người dân. Ảnh:Giang Chinh.
    Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long và huyện Hải Hà phải dừng giữa chừng để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ.
  • 13h30icon
    Nhiều khu dân cư phường Quang Hanh (Cẩm Phả) ngập sâu đến 3 m. Lực lượng quân đội túc trực ở những trục đường để bảo vệ, phân luồng giao thông. Máy xúc, ủi được huy động để nạo vét đất đá sạt lở trên trục quốc lộ 18. 
    Xe đặc chủng của Quân khu 3 tiến sâu vào khu dân cư quanh chợ Suối Khoáng cứu những người mắc kẹt.
    Đất đá trên đồi sạt xuống tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) làm sập 3 ngôi nhà cấp bốn, chôn vùi 9 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi).
    nui-3006-1438099402-6740-1438137777.jpg
    Hàng chục người đào bới tìm kiếm 9 người trong gia đình bị vùi lấp do đất sạt. Ảnh: Giang Chinh.
  • 14h00icon
    Lực lượng cứu hộ tìm được anh Cao Tiến Vỹ (con trai bà Thược) còn sống và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bốn người trong gia đình đã tử vong, còn lại 3 người vẫn chưa được tìm thấy.
    Hai máy xúc cùng hơn 300 cán bộ chiến sĩ nỗ lực đào bới để tìm kiếm nạn nhân. “Khối lượng đất đá sạt lở nhiều cùng với mưa ngày càng lớn khiến đất bùn trở nên nhão nhoẹt, đặc quánh, công tác tìm kiếm gặp khó khăn hơn”, ông Vũ Ngọc Tính, Phó chủ tịch UBND phường Cao Thắng cho biết.
    Bà Nguyễn Thị Thơm (56 tuổi) - người đầu tiên phát hiện 3 căn nhà bị vùi lấp kể lại: “Khoảng 3 giờ sáng trời mưa rất to, bỗng nghe thấy tiếng rầm rầm rất lớn ở nhà bên cạnh, tôi cứ nghĩ là tiếng nước mưa, cây cối đổ, không nghĩ là có nhà bị sập. Gần 5h30 sáng, tôi dậy ra ngoài thì không thấy nhà cửa đâu, khu nhà bà Thược trắng xóa. Lại gần hơn, tôi nghe tiếng kêu cứu dưới đống đổ nát nên vội vàng hô hào mọi người".
    Bà Thơm cho biết thêm, khi cứu được anh Vỹ con trai út trong gia đình bà Thược lên, bà liền điện báo cho cơ quan chức năng.
    Anh Mạc Kim Minh (40 tuổi) hàng xóm và là người trực tiếp tham gia cứu sống anh Cao Tiến Vỹ (37 tuổi) cho biết, anh dậy sớm kiểm tra nhà cửa xem có bị ảnh hưởng gì không thì nghe tiếng tri hô của bà Thơm, phát ra từ nhà kế bên “sập nhà chết người rồi”. “Tôi và 6 người trong tổ dân phố chạy sang thì nghe thấy tiếng người đàn ông kêu cứu dưới đống nhà sập. Mọi người đào bới một lúc mới đưa được anh Vỹ ra ngoài. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu ngay lúc đó. 8 người nhà bà Thược vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát”, anh Minh kể.
    2 chiếc xe xúc loại nhỏ được tỉnh Quảng Ninh huy động tham gia kiếm tìm cùng lực lượng chức năng. Ảnh: Minh Cương
    Hai xe xúc nhỏ tham gia tìm các nạn nhân dưới đống đất đá. Ảnh: Minh Cương.
    Ngoài ra, nước lũ đã cuốn trôi đoạn đường ống nước phi 800 của Nhà máy nước Diễn Vọng, khiến việc cung cấp nước cho TP Hạ Long và TP Cẩm Phả bị gián đoạn. Nhiều trạm bơm nước, đường ống nước của Xí nghiệp nước Cẩm Phả bị vỡ, ngập, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và sản xuất.
  • 14h30icon
    Đảo Cô Tô, nơi có khoảng 2.500 du khách mắc kẹt trời vẫn mưa, gió thổi mạnh nhưng không còn nặng hạt như ngày trước đó. Biển động nên tàu thuyền bị cấm tuyệt đối. Chợ Cô Tô chỉ còn vài hàng bán rau quả, không còn thịt, cá biển nhưng lại có cá đồng do dân tranh thủ bắt lúc mưa ngập. Lương thực dự trữ còn nhiều nên cuộc sống chưa xáo trộn nhiều.
    Du khách bị mắc kẹt đã bình tĩnh xác định tư tưởng hơn, không còn sốt ruột và hoảng sợ như trước. Tranh thủ trời ngớt mưa, từng nhóm khách rủ nhau đi dạo. Nhiều khách sạn đã hỗ trợ giảm giá tiền phòng, đồ ăn cho khách. Nhiều người cẩn trọng mua thêm mì tôm ăn tiết kiệm vì tiền gần cạn. Loa từ UBND huyện liên tục thông báo mức độ nguy hiểm cấp 1, tàu thuyền về nơi tránh trú, người dân có thể vào nhà văn hóa trú ngụ.
    qn2-5645-1438071814-5986-1438072415.jpg
    Nước ngập sâu đến nửa nhà dân ở TP Cẩm Phả. Ảnh: Giang Chinh.
  • 15h00icon
    Các tuyến phố trung tâm Hạ Long nước vẫn ngập ngang thân xe, có đoạn ngập kéo dài đến 100 m khiến các phương tiện không thể lưu thông. "Tỉnh đã huy động cảnh sát phân luồng, hướng dẫn phương tiện đi theo đường tránh Hạ Long và thoát ra khỏi nội thành", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết.
    Đang kiểm tra trên tỉnh lộ 328, ông Trần Bá Đạt, Phó vụ trưởng An toàn Giao thông, Tổng cục Đường bộ, cho hay quốc lộ 18 nối bốn tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh ngập sâu tới một mét, dài khoảng 400 m tại km 113 và 134 thuộc TP Hạ Long. Các phương tiện phải đi đường tránh qua tỉnh lộ 328 và 279. 
    Tuyến tỉnh lộ 328 sạt lở cục bộ taluy dương tại 2-3 vị trí, các phương tiện phải đi trên một làn đường. Máy xúc đang giải tỏa đất đá. Ông Đạt khuyến cáo các phương tiện di chuyển chậm, tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông vì trời vẫn mưa, đường trơn nguy hiểm.
    giaicuu.jpg
    Xe thiết giáp hỗ trợ di chuyển người dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Ảnh: Giang Chinh.
  • 15h30icon
    Bốn xe thiết giáp cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 147, Bộ Tư lệnh Hải quân do thượng tá Nguyễn Hữu Doanh chỉ huy đã đưa hơn 100 người già, trẻ nhỏ ra khỏi vùng ngập sâu nhất ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
    Lo mưa lớn kéo dài, nhiều người dân bắt đầu đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Nhà chị Vũ Thị Thoa mất điện từ đêm qua, vợ chồng chị cùng con trai 3 tuổi phải ăn mì tôm chống đói. "Quanh nhà mênh mông là nước đục ngầu, hàng quán đóng cửa hết, không ai buôn bán. Tôi mua được 2 bó rau cải hết 24.000 đồng", chị nói và cho hay người dân hoàn toàn bất ngờ bởi mưa lớn kéo dài và lũ quá nhanh.
    Trong các khu trọ, công nhân mỏ than Dương Huy, Mông Dương nghỉ làm do đường vào mỏ bị ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng.  
  • 16h00icon
    Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu phải dừng hoạt động khiến hàng trăm xe container không thể lưu chuyển, ùn ứ kéo dài hàng trăm mét.
    ctv-5561-1438075335.jpg
    Hàng trăm xe container xếp hàng chờ thông quan ở cửa khẩu. Ảnh: Nguyễn Thảo.
    ctv1-6844-1438075335.jpg
    Nước tràn vào khu làm thủ tục tại cửa khẩu Hoành Mô. Ảnh: Nguyễn Thảo.
  • 17h00icon
    TP Hạ Long mưa đã ngớt, nước bắt đầu rút. Phường Cao Thắng có thêm một người chết, nâng tổng số người thiệt mạng và mất tích tại Quảng Ninh lên 18. Nạn nhân là ông Đàm Văn Giới (45 tuổi) bị nhà sập đè tử vong khi tranh thủ dọn dẹp lúc nước rút.
    Tại Vân Đồn, lượng mưa lớn tích tụ dồn về hồ Lòng Dinh làm sạt một góc đập tràn rộng 30 m, sâu hơn 10 m. Các hộ dân xung quanh đã được sơ tán đến nơi an toàn. "Nếu trời tiếp tục mưa to, lượng nước đổ về không khống chế được dẫn đến khả năng vỡ đập rất cao. Thời tiết xấu, chúng tôi không thể đưa lực lượng lên gia cố điểm sạt lở", ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết.
  • 19h00icon
    Thống kê cuối ngày của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ninh cho biết 15 người chết, 8 người mất tích. Số người thiệt mạng tập trung ở những khu vực ngập nặng, sạt lở nhiều như Hạ Long, Cẩm Phả. Trong đó, TP Hạ Long có 12 người chết, TP Cẩm Phả có 3 người.
    Hai nạn nhân trong vụ sập nhà tại tổ 44, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) là bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi) và cháu Cao Xuân Việt (14 tuổi) vẫn chưa được tìm thấy. Sáu ngư dân quê Hậu Lộc (Thanh Hóa) mất tích trên chiếc tàu câu mực ngoài khơi cách Vân Đồn khoảng 10 km chưa có thông tin.
    quandoi3-6291-1438066670.jpg
    Quốc lộ 18 đoạn Cẩm Phả ngập sâu. Ảnh: Giang Chinh.
  • 20h07icon

    Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, mưa chưa có dấu hiệu kết thúc mà đang mở rộng. Từ 29 đến 31/7, các tỉnh ven biển Quảng Ninh - Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang sẽ có mưa vừa, mưa to; riêng Quảng Ninh - Hải Phòng có mưa rất to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang.
    Ngập úng ở các vùng thấp, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2-3,5 m, biển động.
    Ảnh hưởng của rãnh thấp từ 23 đến 26/7 cũng gây mưa to ở Bắc Bộ. Một số nơi mưa lớn như Phiềng Lanh (Sơn La) 200 mm, Pha Đin (Điện Biên) 150 mm.
    Từ 25 đến 28/7, vùng mưa dịch chuyển sang Đông Bắc Bắc Bộ, riêng Quảng Ninh, mưa 500-700 mm, một số nơi như Cô Tô 800 mm, Cửa Ông 850 mm.
    Thủ tướng đã có công điện thăm hỏi, chia buồn đến thân nhân gia đình có người thiệt mạng. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng, hỗ trợ lương thực để người dân không bị đói khát; đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, chủ động di dời hộ dân ra khỏi khu vực ngập sâu, sạt lở đất.
    Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan ở địa phương vận hành an toàn hồ chứa nước. 
  • 21h30icon
    UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ gia đình có 9 người bị vùi lấp 51 triệu đồng lo hậu sự và cấp cứu người duy nhất sống sót là anh Cao Tiến Vỹ. Công việc tìm kiếm thi thể sẽ tiếp tục vào sáng hôm sau.
  • Ngày 29/7
  • 9h30icon
    Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai thông báo số người chết tăng lên 18. Thi thể 8 nạn nhân trong gia đình ở TP Hạ Long bị vùi lấp do sạt đất đã được tìm thấy. Sáu thuyền viên tàu cá bị sóng đánh chìm ở Cô Tô vẫn mất tích. Gần 3.000 ngôi nhà bị ngập, 300 ngôi nhà khác hư hỏng nặng. Quốc lộ 18A ngập cục bộ ở các km 135, 137, 144, 157.
    Quân khu 3 đã lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại Quảng Ninh, huy động hơn 1.500 chiến sĩ tham gia cứu hộ cứu nạn, vận chuyển người dân đến nơi an toàn.
    Mưa đã ngớt, lũ đang rút dần, không còn nhiều vùng bị chia cắt. 
  • 11h00icon
    Giao thông Cẩm Phả - Vân Đồn bị tê liệt vì sạt lở nghiêm trọng ở khu vực cầu 2 Vân Đồn.
    Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung khắc phục hậu quả vỡ đường ống nước phi 800 của nhà máy nước Diễn Vọng khiến hơn 85.000 hộ dân TP Hạ Long và Cẩm Phả thiếu nước sạch. Nhiều trạm bơm nước, đường ống của Xí nghiệp nước Cẩm Phả bị vỡ, ngập khiến việc cấp nước khó khăn.
    Các trạm bơm, giếng khoan ở hai khu vực trên hoạt động hết công suất nhưng chỉ đáp ứng được nước sinh hoạt cho 15% số hộ dân. Trong ngày hôm nay, Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh huy động khoảng 60 xe chở nước đến các khu vực thiếu nước. Tỉnh cũng chỉ đạo làm đường ống mới khoảng 920 m, chia thành 9 đoạn, thi công cùng một lúc để thay thế đường ống cũ đã vị vỡ.
    “Công tác thi công cố gắng trong vòng một tuần sẽ hoàn thành. Hy vọng người dân tiết kiệm nước vì tình hình mưa lũ còn kéo dài và phức tạp”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nói
  • .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét