Chúng tôi tìm đến nhà cựu VĐV điền kinh Vũ Bích Hường, khi mà thông tin về chị những ngày này cũng đã rất nhiều trên các mặt báo. Nhưng gặp và trò chuyện với chị, vẫn không thể tránh khỏi cảm giác bùi ngùi. Chị bảo, không thích xuất hiện trên báo để người ta thấy mình đáng thương hay tội nghiệp. Điều đó thì chúng tôi cảm nhận rất rõ.
Nhưng dù được tôi luyện bằng tinh thần “thép” trong thể thao thì giờ đây, chị cũng không ngăn nổi những giọt nước mắt rơi lã chã trên đôi gò má xương gầy khi tâm sự về câu chuyện của cuộc đời mình và bệnh tật nghiệt ngã với người con. "Đôi chân vàng" ngày nào của 20 năm trước, giờ đã phải khó nhọc đi từng bước nhỏ khắp căn phòng...
Clip về cuộc sống hiện tại của chị Vũ Bích Hường, người hùng 20 năm trước mang về Huy chương vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại một kì Seagames, giờ phải khó nhọc đi từng bước nhỏ... - (Thực hiện: Kiên Nguyễn).
Quá khứ hoàng kim
Đối với những người yêu thể thao, cái tên Vũ Bích Hường hẳn chẳng hề xa lạ. Chị chính là vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng (HCV) tại đấu trường SEA Games danh giá năm 1995, đúng tròn 20 năm trước.
Đến với điền kinh từ năm 18 tuổi và ghi dấu ấn khi xác lập kỷ lục quốc gia ở nội dung 100m rào năm 1987, Vũ Bích Hường nhanh chóng trở thành một hiện tượng của làng thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, con đường sự nghiệp của chị gặp khá nhiều trắc trở.
Bức ảnh chân dung chị Hường ngày còn trẻ.
Hai năm sau khi lên xe hoa, khi người hâm mộ tưởng chị đã quên đi niềm đam mê với những bước chạy thần tốc thì bất ngờ, Bích Hường đột ngột quay lại đường piste với khát khao cháy bỏng được chạy và cống hiến cho thể thao nước nhà.
Năm 1992, cô tiếp tục giành HCV giải VĐQG. Năm 1993, lần đầu tiên tham dự SEA games, chị giành HCĐ. Tới năm 1995, chị đã giành được HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam. Báo chí khu vực từng ca ngợi chiến tích của Bích Hường là “sự kỳ diệu của bà mẹ một con”. Nếu không phải sau đó Thái Lan nhập quốc tịch cho VĐV người Mỹ Trecia Robert thì có lẽ, Vũ Bích Hường sẽ còn thống trị đường đua 100m rào trong một thời gian dài nữa. Những kỳ SEA Games sau đó, chị liên tiếp giành HCB, HCĐ dù độ tuổi đã vượt ngưỡng 30.
Vũ Bích Hường là VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên giành HCV ở SEA Games - (Ảnh: Vietnamnet).
Sự nghiệp thi đấu của Bích Hường kéo dài bền bỉ đến năm chị tròn 40 tuổi. Người phụ nữ ấy đã hy sinh và dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp thể thao. “Mình và ông xã lấy nhau được hơn 20 năm nhưng tính ra, chỉ ở cạnh nhau được 5-6 năm vì phần lớn thời gian, mình dành cho thi đấu, tập luyện và luôn sống gắn bó với trung tâm thể dục thể thao Hà Nội” – chị Bích Hường chia sẻ.
Cuộc đời với những nỗi đau nghiệt ngã
Gần 20 năm trước tại SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan), hình ảnh Vũ Bích Hường khóc òa trên vai HLV Hoàng An đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của thể thao Việt Nam một thời gian dài. 20 năm sau, số phận đầy bi đát đã lật ngược chị.
Hơn cả nỗi khổ tâm vì phải sống xa chồng con, khi đã ở “cái dốc bên kia của cuộc đời”, chị Hường lần lượt phải đối mặt với những nỗi đau cùng cực nhất của số phận. “Huyền thoại vàng của điền kinh” năm nào giờ đây nằm tiều tụy trong một góc nhà đấu tranh với bệnh tật.
Chị Hường ngồi buồn bã trong một góc phòng. Dù thời tiết rất nóng bức nhưng chị vẫn luôn mặc quần dài để che chắn một bên chân bị teo cơ và đeo chiếc nẹp bụng để cố định xương sống.
Bất hạnh đầu tiên là đứa con trai út của chị bị mắc bệnh tăng động. Khi sinh ra, bé hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường, thông minh, lành lặn. Chỉ vì cô giáo phạt nhốt vào nhà vệ sinh mà bị hoảng loạn rồi sinh bệnh.
“Cô giáo của con từng đến gặp tôi, nói rằng tất cả phụ huynh cùng lớp với con tôi đều kiến nghị bé phải chuyển lớp. Tôi chỉ biết nuốt nước mắt xót xa. Thương con nhưng cũng không biết phải làm sao để những bậc cha mẹ khác đồng cảm với mình” – chị nghẹn ngào kể.
Trong những lúc yếu đuối nhất của cuộc đời, người phụ nữ luôn cần có một bờ vai che chở thì đớn đau thay, chồng chị mắc bệnh ung thư, đã qua đời sau một thời gian chữa trị.
Cuộc sống vốn khó khăn càng thêm chồng chất, vì không đủ khả năng lo toan tài chính cho đại gia đình nên chị phải bán căn nhà cũ trên phố Thụy Khuê. Lận đận thuê nhà không nổi, chị Hường phải xin khắp nơi suất mua nhà chung cư giá rẻ bên ngoại thành Hà Nội, để làm nơi ở cho mấy mẹ con và hương khói cho chồng. Nhưng vì không có tiền trả nên sau hơn 3 năm ký hợp đồng mua nhà, gia đình chị Hường mắc nợ gần 300 triệu đồng.
Nước mắt chị không ngừng rơi khi nhắc đến những nỗi đau trong quá khứ.
“Căn nhà này là do Trung tâm huấn luyện và thi đấu Hà Nội đề xuất đặc cách cho tôi được mua. Mỗi tháng phải trả 7,6 triệu trong vòng 10 năm. Tính ra, số tiền tôi nợ sẽ là gần 1 tỷ đồng. Đó là con số quá lớn, không biết phải làm sao để trả nổi” – VĐV Bích Hường lo lắng nói.
Trong khi con trai út bệnh tình, vợ chồng con trai cả lại có thu nhập thấp nên một mình chị Hường phải cố gắng lo toan mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Giữa lúc đang một mình gồng gánh việc nhà thì hồi tháng 2 vừa qua, trên đường đi làm, chị bất ngờ bị tai nạn xe rất nặng, khiến một chân cứ teo dần.
Chị Hường kể: “Lúc đầu tôi chỉ thấy chân đau nhức mà không để ý cái lưng. Ai ngờ đốt sống số 4 và số 5 lệch ra, sập xuống, chèn ép dây thần kinh, sau đó thì không đi được nữa”.
Dù được tôi luyện bằng tinh thần “thép” trong thể thao thế nhưng giờ đây, chị cũng không ngăn nổi những giọt nước mắt rơi lã chã trên đôi gò má xương gầy: “Nhà trông cả vào đồng lương của tôi, giờ chẳng đi lại được, tốn thêm tiền thuốc men, nếu không được đồng nghiệp giúp đỡ, có lẽ chẳng vượt qua được”.
Nghị lực phi thường của người đàn bà “thép”
Đến thăm vận động viên điền kinh Vũ Bích Hường, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi gương mặt hốc hác, dáng vẻ hao gầy của chị. Giữa ngày nắng như đổ lửa, chị vẫn nằm trên một chiếc chăn mỏng, mặc quần dài, lưng đeo chiếc nẹp bụng. “Linh dương đen” của thể thao nước nhà giờ đây phải lê lết từng bước để đứng lên, tập đi lại và làm những công việc nhẹ trong nhà.
Chị Hường tạm xếp những tấm huy chương vàng các kỳ SEA Games, giải vô địch quốc gia vào một góc tủ. “Lúc này phải tạm quên đi những hào quang quá khứ để tiếp tục đứng lên. Cứ nhìn vào đó lại nghĩ đến một thời đã từng chạy nhanh như một chú linh dương đen và đối chứng với hoàn cảnh hiện tại là tôi lại thấy có chút chạnh lòng”
“Vì bị xương cột sống chèn lên dây thần kinh nên một chân của tôi teo lại. Tôi nằm liệt giường mất mấy tháng. Những ngày ấy, mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác. Muốn di chuyển nhúc nhích đi đâu, tôi đều phải bò lê bò lết, khổ sở vô cùng”.
Cũng may là cuộc đời không lấy hết đi của ai điều gì. Qua nhiều mối quen biết, chị Hường được bạn bè giới thiệu một thầy lang bấm huyệt. Nhờ kiên trì điều trị, sức khỏe của chị hiện đang dần bình phục.
“Hôm nay, tôi đã tự đứng được trên đôi chân của mình. Giờ tôi sẽ bước đi mà không cần đôi nạng nữa. Thầy thuốc nói nếu cứ như thế này, một tháng nữa là tôi sẽ khỏe hẳn” – chị Hường hào hứng nói.
Việc đi lại tuy đã có tiến triển nhưng hiện vẫn rất khó khăn. Chị Hường phải cố gắng từng chút một để tập đi và làm những công việc nhẹ nhàng như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
“Tôi cũng rất biết ơn những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ, thời gian qua đã liên tục động viên, thăm hỏi và giúp đỡ tôi cả về vật chất và tinh thần. Tình yêu thương của họ cũng chính là động lực to lớn giúp tôi kiên trì đấu tranh với bệnh tật và tạm quên đi những nỗi đau số phận”.
Thêm một niềm vui nữa đối với chị là sức khỏe của con trai út (11 tuổi) cũng dần có biến chuyển. “Bé bây giờ rất ngoan và chỉ nổi nóng khi bị kích động. Dù có lúc con hay đòi chơi game và hay cáu giận mẹ nếu không được đồng ý điều gì đó nhưng tôi vẫn rất vui và hy vọng, trong tương lai, sức khỏe của bé sẽ dần ổn định hơn” – chị Hường hào hứng kể.
Bên cạnh đó, niềm tin và hy vọng lớn nhất của chị là con trai cả Nguyễn Ngọc Quang (SN 1989, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Thể Dục Thể Thao, Bắc Ninh) có thể tiếp bước mẹ, lập nên những thành tích hiển hách cho bộ môn điền kinh nước nhà.
Con trai Nguyễn Ngọc quang hiện là niềm hy vọng lớn nhất của chị. Năm 2012, đúng ngày sinh nhật bố, Quang đã giành HCV giải vô địch quốc gia.
“Hôm đứa con trai cả thi SEA Games ở nội dung 110m rào nam, tôi hồi hộp lắm. Dù con không vượt qua vòng loại nhưng tôi không hề thất vọng. Tôi vẫn thường nói với con rằng, mẹ không bao giờ đòi hỏi thành tích hay tiền thưởng huy chương, mà muốn con phải biết đứng lên sau những thất bại”.
Tuy nhiên những ngày này, cuộc sống của chị vẫn thật sự khó khăn. “Huyền thoại 110m vượt rào” ngày nào giờ đây chỉ ước sao có thể sớm đi lại bình thường và tiếp tục đi làm để lo cáng đáng các khoản chi tiêu trong gia đình.
Đôi nạng hiện nay trở thành vật bất ly thân những lúc chị Hường di chuyển xa. Những lúc ở nhà, chị luôn cố gắng không phụ thuộc vào nó với hy vọng vết thương sẽ nhanh lành hơn.
“Dù kiên cường cách mấy thì cũng có những lúc tôi thấy mình thực yếu đuối và bất lực. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là sớm khỏe lại và trả xong món nợ mua nhà khổng lồ kia. Được thế, tôi dù có nhắm mắt xuôi tay cũng thấy mình được yên lòng” – chị Hường nghẹn ngào.