Làm không tốt môn thi Lý và Hóa, nữ sinh lớp 11 chuyên
Văn đã sáng tác bài thơ "Bình Ngô Đại thí" với giọng điệu hài hước, đậm
chất kiếm hiệp để kể về việc phải "đối phó" với hai môn thi này ra sao.
Lê Thị Quỳnh Châu, tác giả bài Bình Ngô Đại thí. Ảnh: Facebook. |
Bài thơ được Lê Thị Quỳnh Châu (lớp 11 Văn, THPT Lê
Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu) chia làm 2 phần (thi Lý và thi Hóa), với
giọng điệu đậm chất kiếm hiệp. "Tác phẩm" như một lời kể hài hước về
việc nữ sinh này đã phải "đối phó" với hai môn thi Lý, Hóa ra sao.
Với môn Lý, "Địch ngạo nghễ/ Bước vào trận chiến/ Tung
Kim cang chưởng" còn "phía ta" dùi mài Cửu âm chân kinh để "chống đỡ".
Qua "bảy bảy bốn chín hồi", "cuộc chiến" bất phân thắng bại buộc "quân
ta" phải "đả cẩu bổng pháp" mới đánh tan giặc lui, mới "qua được ải
này".
Khó khăn mới vượt qua được "ải" môn Lý thì đến môn
Hóa, Quỳnh Châu bị "đánh trọng thương" và "điểm trúng tử huyệt" khiến
"thổ huyết", "tắc tử như Từ Hải".
Giải thích cho việc làm bài thi Hóa không như mong
muốn, nữ sinh chuyên Văn cho hay: "Không phải ta thua vì kém cỏi/ Chỉ là
lũ giặc quỷ kế đa đoan.../ Đau cho thân phận sĩ tử/ Mỗi lần lên sàn thi
như ra chiến trận/ Dù trăm phương nghìn kế/ Mưu cao võ giỏi/ Cũng khó
toàn thây trở về/ Và... Hôm nay ta cũng vậy!".
Chia sẻ về bài thơ, Quỳnh Châu cho hay, Bình Ngô Đại thí
ra đời trong một phút ngẫu hứng sau khi hoàn thành môn thi Lý, Hóa hôm
7/5 vừa rồi. Làm bài không tốt như mong muốn, cô sáng tác bài "cáo"
trong vòng 15 phút để chia sẻ với bạn bè.
"Bài Bình Ngô Đại Cáo ra đời là để thông báo chiến thắng còn Bình Ngô Đại thí
của em lại như một lời chia sẻ hài hước với bạn bè về thất bại, làm bài
thi chưa tốt của mình. Bài thơ của em chỉ dựa vào thể loại cáo của Bình Ngô Đại Cáo nhưng ngôn từ thì khác hoàn toàn", Châu chia sẻ.
Theo Châu, sáng tác Bình Ngô Đại thí là cách
cô giải tỏa stress và nỗi buồn vì làm bài thi không tốt. Sau khi làm
xong, Châu đưa lên Facebook và nhận được nhiều bình luận, hỏi han của
bạn bè. Nữ sinh cho biết thêm, do bị ảnh hưởng từ bộ phim chưởng đang
xem nên ngôn từ trong bài thơ đầy chất "chưởng".
Bản vẽ tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo bằng tranh nhí nhảnh của học sinh. |
Bài thơ của Châu sau khi xuất hiện trên mạng đã nhanh
chóng được chia sẻ khắp các diễn đàn. Nhiều ý kiến chia sẻ bài thơ "lạ
lạ, hay hay", "chết cười với bài này", "tại hạ bái phục" hay "quá giỏi".
Không ít bình luận đoán tác giả là người mê phim kiếm hiệp và nghiện
game.
"Chắc chắn chị này fan Kim Dung rồi", nickname Ngân Phạm viết. Cùng chung quan điểm với Ngân Phạm, Kim Eun Jin phán: "Ảnh hưởng từ kiếm hiệp".
Ngoài những bình luận yêu thích, một số cho rằng Bình Ngô Đại thí thật "vớ vẩn", "nhảm nhí", "tào lao" hay "rất dở" vì "không giống Bình Ngô Đại Cáo". Vài ý kiến nặng nề hơn nhận xét người viết "không biết tôn trọng thế hệ trước".
Bình Ngô Đại Cáo là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng
chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên
cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại
Việt. Đây được xem là áng thiên cổ hùng văn của nền văn học đã được sử
dụng trong sách giáo khoa và ra đề cho các kỳ thi tuyển sinh. Trước bài Bình Ngô Đại thí của Quỳnh Châu cũng từng có học sinh chế bản Bình Ngô Đại Cáo bằng tranh vẽ sáng tạo thu hút nhiều quan tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét