Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Dân quanh nhà cổ bị sập không biết 'đi đâu về đâu'

Căn biệt thự cổ sập hoàn toàn phần giữa làm hàng chục nhà xung quanh bị hư hỏng theo, nhiều hộ dân rơi vào cảnh không có chỗ ở.
Màn đêm xuống, chiếc máy xúc và hàng chục bộ đội, lính cứu hỏa vẫn cật lực thu dọn hiện trường trong ngõ 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi biệt thự cổ sập xuống làm 6 người bị thương, 2 người chết, hàng chục ngôi nhà xung quanh lở tường, sập mái hiên, hư hỏng tài sản.
Nhiều người dân sống cạnh căn nhà sập chân không kịp đi dép, người lấm lem, mỏi mệt nhưng vẫn quanh quẩn cạnh hiện trường để chờ xem nhà mình bị thiệt hại đến đâu. Không một tiếng khóc than nhưng ai nấy đều chung nỗi lo những ngày tiếp theo "không biết ăn đâu, ngủ đâu, sống ở đâu".
chingan-6484-1442936317.jpg
Chị Ngần chờ dọn dẹp hiện trường xong để vào nhà lấy đồ cho bố và xem nhà hỏng đến đâu. Ảnh: H.P.
Chị Vũ Thị Ngần (45 tuổi) cố chờ cho đội cứu hộ dọn dẹp hết đống đổ nát để về xem thiệt hại căn nhà và lấy ít đồ cho bố. Chị vẫn chưa hoàn hồn vì lúc nhà sập chỉ có mình ông cụ 91 tuổi và đứa cháu ngoại trong nhà. Khi nghe cháu thông báo, chị Ngần vội bỏ hết công việc chạy từ Thanh Nhàn lên đây, chỉ biết khóc cảm tạ trời đất vì bố không sao. Hiện tại, ông cụ đang ở tạm nhà con gái cho đỡ sợ.
Gia đình chị Ngần quê gốc ở Thái Bình nhưng gắn bó với ngôi nhà trong Khu tập thể đường sắt từ năm 1960. Từ hồi còn nhỏ, chị đã thấy căn biệt thự kiểu Pháp nhưng không biết căn nhà bao nhiêu tuổi. Đến khi các anh chị em trong nhà dựng vợ, gả chồng, làm ăn mỗi người một nơi, căn nhà cổ vẫn sừng sững ở đó cho đến ngày đổ sập. Chị cho biết, trong khu này chủ yếu là cán bộ từng công tác trong ngành đường sắt, cũng có nhiều người ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đến đây buôn bán. Nhưng vì ở lâu nên dân trong khu đều biết nhau cả, sống rất tình cảm.
nguoidan-8066-1442936317.jpg
Đêm khuya nhưng nhiều người dân vẫn cố chờ cứu hộ dọn dẹp xong để về nhà. Ảnh: H.P.
Vẻ mặt thẫn thờ, bà Đào Thị Hường (53 tuổi) lo lắng cho số tài sản còn bị mắc kẹt trong nhà. Khi căn biệt thự cổ đổ sập, chỉ có một mình bà Hường ở trong nhà cách đó chừng 3 m. Mắt kém lại sợ hãi nên bà ngất đi. Đến khi hai cậu con trai bắc thang lên tầng 2, đập cửa ầm ầm gọi mẹ, bà mới tỉnh dậy và được các con đưa ra khỏi nơi nguy hiểm.
Căn nhà mấy mẹ con bà Hường đang ở là đi thuê. Bà quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội gần 20 năm, mưu sinh bằng quán bún riêu, bún ốc để nuôi ba anh con trai trưởng thành. Giờ nhà bị hư hỏng nặng rồi, bà không biết ở và thuê nhà ở đâu để tiếp tục buôn bán. Trong khi tuổi già ập đến nơi, bà mới tốn một khoản tiền mổ mắt, lại không muốn lệ thuộc nhiều vào con cái. Cô cháu gái ngồi bên cạnh nài nỉ bà về nhà ở tạm vài ngày rồi tính tiếp, nhưng bà vẫn nán ngồi lại.
"Thuê một chỗ để buôn bán ở đất Hà Nội không phải dễ. Giờ tôi không biết những ngày sau sẽ ra sao, có tiếp tục buôn bán được nữa không", bà nói và cho biết, ngôi nhà bị sập đã có tuổi thọ khá lâu. Dân trong khu nghe thông tin là cuối năm sẽ di dời nhưng không ai ngờ được là nhà bất ngờ bị đổ sập. Bà bảo biết là sống cạnh nhà cổ, nhà cũ không an toàn nhưng vì mưu sinh nên sống dần rồi cũng quen.
hientruong-4991-1442936317.jpg
Ngôi nhà bị sập khiến nhiều nhà khác trong ngõ bị 'liên lụy'. Ảnh: H.P.
Nhìn đống gạch vữa ngổn ngang, anh Cường, chủ cửa hàng cắt tóc, gội đầu trong ngõ 107 sốt ruột thở dài. Dù cửa hàng của anh cách ngôi nhà sập gần 20 m nhưng hiên, tường bao sập xuống đè hỏng tivi, tủ lạnh trong nhà. "Thiệt hại kha khá đồ dùng, đồ nghề nhưng may mắn là không có ai bị thương. Ngôi nhà sập vào buổi trưa, nếu vào buổi sáng đông người qua lại thì hậu quả còn nặng nề hơn", anh nói.
Cửa hàng bị hư hỏng khá nặng, anh nhẩm tính chờ khắc phục xong mất một thời gian khá dài, có lẽ phải chuyển nơi khác tiếp tục kinh doanh, đảm bảo việc làm cho mấy nhân viên trẻ đang học nghề. Anh tiếc chỗ này bởi thuê khoảng 5 năm, việc kinh doanh rất ổn định. Điều anh lo lắng là buổi tối chưa biết kiếm đâu chỗ ngủ cho mấy nhân viên. "Bí quá chắc phải đưa nhau ra nhà nghỉ rồi tính tiếp", anh nói.
Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết vì lý do an toàn nên những gia đình ở gần khu vực nhà bị sập không nên ngủ lại. Thành phố đã chỉ đạo quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Xây dựng đưa người dân về tạm cư ở hai nơi là khu tập thể Kim Liên và khu tập thể Đền Lừ. Tại đây có những căn hộ phục vụ cho tái định cư, đủ điều kiện sống tối thiểu. "Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác cứu hộ tài sản của người dân ở khu vực và đảm bảo an ninh trật tự ở mức cao nhất", ông Hoa nó
i

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét