Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Chiếc áo Công Phượng và giấc mơ kiếm tiền của “đại gia”

Ngày khai mạc V-League 2015, GĐĐH của HAGL, Huỳnh Mau tiết lộ: “Chúng tôi đã bán được 1000 chiếc áo mang tên Công Phượng với giá 200.000 đồng/chiếc”. Đây là con số rất ấn tượng nếu biết rằng từ trước đến này các đội bóng gần như phát không áo đấu, hoặc chưa khai thác được “nguồn thu” này.
Từ việc bán áo ngôi sao…
Với các nền bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao thì việc bán áo đấu để kiếm tiền là chuyện rất đỗi bình thường. Nói cách khác đó là một nguồn thu không thể thiếu của các đội bóng bên cạnh tiền quảng cáo, tiền tài trợ… Nhưng đối với V-League đó vẫn là một giấc mơ xa xỉ.
Trải qua hơn một thập kỷ chuyên nghiệp, các đội bóng ở V-League vẫn sống bằng tiền của các ông bầu, các doanh nghiệp và nguồn ngân sách địa phương. Đó là một thực tế khiến rất nhiều đội bóng trăn trở khi chưa khai thác được thị trường tiềm năng trong mối quan hệ giữa CLB và CĐV.
Với riêng HAGL, ngay cả thời kỳ họ có trong đội hình ngôi sao sáng nhất ĐNÁ Kiatisuk đầu thập kỷ trước, bầu Đức vẫn chưa thể kiếm tiền từ việc bán áo đấu vì khi đó V-League mới bắt đầu sơ khai. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi với những hiệu ứng tích cực mà Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… tạo ra trong năm 2014, HAGL có thể tự tin kiếm tiền từ việc bán áo đấu.
Chiếc áo Công Phượng và giấc mơ kiếm tiền của “đại gia” - 1

“Chúng tôi đang có một lứa cầu thủ tài năng, họ tạo ra một thứ bóng đá đẹp hấp dẫn khán giả ở Gia Lai nói riêng cũng như trên cả nước nói chung. Vì thế việc bán áo đấu chỉ là bước khởi đầu, không chỉ áo của Công Phượng mà áo của những cầu thủ khác trong đội sẽ được in và bán cho người hâm mộ cũng như khách tham quan khi đến sân Pleiku để mua những món quà làm lưu niệm”, trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh đã chia sẻ.
Ông Tấn Anh cũng không giấu giếm tham vọng sẽ biến sân Pleiku thành một tổ hợp thương mại để bán những món đồ kỉ niệm liên quan đến đội bóng. “Các câu lạc bộ lớn trên thế giới đều có các quầy hàng lưu niệm trong sân vận động, trong tương lai chúng tôi cũng thế. Điều nay sẽ giúp cho khán giả dễ dàng lựa chọn những sản phẩm mà mình thích, đồng thời mang lại một nguồn thu đáng kể cho đội bóng. Sau khi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức đây là lúc chúng tôi tính đến đến nguồn thu ổn định để xây dựng đội bóng lâu dài”.
Tất nhiên HAGL có cơ sở để thành công bởi họ đang có trong tay “bảo bối” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…những người được yêu thích nhất ở sân chơi quốc nội. Họ sẽ là “thỏi nam châm” hút khán giả đến sân, đồng thời là những “con gà đẻ trứng vàng” trong việc kinh doanh áo đấu.
Đến tham vọng bán vé cả mùa…
Hơn một thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp chưa bao giờ người ta thấy các đội bóng đua nhau bán vé cả mùa như V-League 2015.  Theo thống kê cho đến lúc này đã có 5 đội HAGL, SLNA, T.QN, S.KH và B.Bình Dương bán vé cả mùa (trong đó B.Bình Dương phát hành miễn phí ở một số khán đài).
Động lực nào để các đội bóng đi đến việc phát hành vé cả mùa? Câu trả lời rất đơn giản nó xuất phát từ hiệu ứng mà bóng đá Việt Nam 2014 đã tạo ra. Không kể đến 2 vụ bán độ ở V.Ninh Bình và Đồng Nai thì bức tranh bóng đá Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Đầu tiên là U19 Việt Nam với những giải đấu liên tiếp đã làm sống dậy tình yêu bóng đá của người hâm mộ. Những thành công liên tiếp của U23 và đội tuyển Việt Nam dưới thời Miura cũng khiến người hâm mộ tin vào một tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.
Chiếc áo Công Phượng và giấc mơ kiếm tiền của “đại gia” - 2

Tất nhiên khi mua vé cả mùa giá mềm hơn và người xem không còn sợ cảnh “thổi giá” trong những trận cầu đinh. Nhưng phát hành là một chuyện còn bán được hay không lại là chuyện khác. Vì muốn bán được vé các đội bóng phải tạo ra được các trận đấu trung thực và hấp dẫn. Các cầu thủ luôn ra sân với tinh thần công hiến cao nhất, khi đó người xem mới bỏ tiền đến sân.
Nói cách khách muốn bán được vé đội bóng phải có thương hiệu. Và thương hiệu được cụ thể bằng thành tích trên sân và sự góp mặt của các ngôi sao.
Tiền bán vé là một là một nguồn thu rất quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp. Việc các đội bóng phát hành vé cả mùa là hướng đi đúng trong tiến trình đi lên chuyên nghiệp để kéo khán giả đến sân.
Người hâm mộ chưa bao quay lưng với bóng đá Việt Nam. Chỉ cần các cầu thủ thi đấu trung thực và hết mình, cống hiến những pha bóng hay những bàn thắng đẹp, như dàn cầu thủ trẻ “lò bầu Đức” thể hiện thì các khán đài sẽ được lấp đầy.

Chiếc áo Công Phượng và giấc mơ kiếm tiền của “đại gia” - 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét