Sự biến mất bí ẩn của QZ8501 ngay lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến thảm kịch MH370, chiếc máy bay đã "bốc hơi" suốt từ tháng Ba đến nay.
Cả hai chiếc máy bay này đều không hề phát tín hiệu cấp cứu trước khi biến mất, và cả hai đều thuộc sở hữu của các hãng hàng không có trụ sở ở Malaysia. Tuy nhiên, giữa hai chiếc máy bay này lại có những điểm khác biệt rất quan trọng và có thể giúp lực lượng tìm kiếm sớm tìm ra QZ8501.
Đâu là điểm khác biệt giữa QZ8501 với thảm kịch MH370?
Điểm khác biệt lớn nhất cho đến nay là vị trí cuối cùng của hai chiếc máy bay. Trong khi MH370 phát đi tín hiệu liên lạc vệ tinh cuối cùng tại một vùng biển sâu ở nam Ấn Độ Dương xa xôi, tín hiệu liên lạc cuối cùng của QZ8501 là trên vùng biển Java tương đối nông và có nhiều tàu bè qua lại.Ông John Nance, chuyên gia hàng không từng làm việc cho Không quân Pháp cho biết biển Java là khu vực rất dễ tìm kiếm vì vùng biển này nông hơn và quen thuộc hơn nhiều so với nam Ấn Độ Dương.
Ông Nance giải thích thêm: “Công tác tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì vùng biển này đã được khảo sát và vẽ bản đồ rất kỹ càng”.
Ông cũng chỉ ra rằng chiếc máy bay đột ngột biến mất khỏi màn hình radar sau khi phi công yêu cầu được thay đổi độ cao để tránh thời tiết xấu, và việc máy bay không hề phát đi bất cứ tín hiệu cầu cứu nào chứng tỏ sự việc xảy ra rất bất ngờ.
Kiểm soát viên không lưu cho biết họ trò chuyện lần cuối cùng với phi công QZ8501 lúc 6:13, và chiếc máy bay tiếp tục hiện trên màn hình radar cho đến 6:16. Một phút sau, chiếc máy bay hoàn toàn biến mất trên màn hình radar.
Bản đồ thể hiện vị trí mất liên lạc của MH370 và QZ8501
Khi MH370 biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Malaysia, khoảng 17 phút sau đài kiểm soát không lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh mới nhận ra là chiếc máy bay đã không bay vào vùng trời quản lý theo kế hoạch và liên lạc với phía Malaysia để hỏi về vị trí của MH370.Phi công MH370 cũng không hề báo cáo về thời tiết xấu hay bất cứ tình huống khẩn cấp nào trước khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Người ta cũng tin rằng MH370 đã “bay mù” suốt nhiều giờ sau khi ngắt liên lạc với đài kiểm soát không lưu và vô hiệu hóa thiết bị phát đáp rồi bay thẳng xuống Ấn Độ Dương và rơi xuống khi cạn nhiên liệu.
Trong khi đó, nếu QZ8501 tiếp tục “bay mù” như vậy sau khi mất tín hiệu liên lạc, nó sẽ bị các hệ thống radar quân sự và dân sự xung quanh biển Java phát hiện ngay lập tức và báo động với lực lượng chức năng, ông Nance nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù MH370 là chiếc máy bay Boeing 777 có kích thước lớn hơn rất nhiều so với thân máy bay Airbus A320, tuy nhiên mảnh vỡ của hai loại máy bay này khi đâm xuống biển sẽ gần như tương tự nhau khi nhìn từ máy bay tìm kiếm.
Ngoài ra, Airbus A320 được trang bị công nghệ cho phép tự động biến thân máy bay nếu còn nguyên vẹn thành một “con tàu” nổi trên mặt nước sau khi lao xuống biển, giúp cho lực lượng tìm kiếm dễ dàng phát hiện dấu vết của nó hơn nhiều.