Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Cô nữ sinh xinh đẹp tử nạn trên đường phượt Hà Giang

Thông tin 1 nữ phượt thủ xinh đẹp tử nạn trong chuyến phượt Hà Giang mới đây đang khiến nhiều người vô cùng bàng hoàng, thương xót.

Ngày hôm nay, cộng đồng phượt Việt Nam xôn xao trước tin tức về vụ tai nạn nghiêm trọng trong một chuyến phượt lên Hà Giang bằng xe máy của một nhóm bạn trẻ xuất phát từ Hà Nội. 

Theo chia sẻ trên facebook của 1 người tham gia trong nhóm phượt, đoàn phượt đã bắt đầu cuộc hành trình từ tối thứ Năm tuần trước (tức ngày 13/11). Sau khi quay trở về, do trời mờ sương, chiếc xe máy của 1 bạn trong đoàn phượt đã gặp nạn khi đâm vào xe tải ở đoạn cua xuống dốc. Vụ tai nạn khiến nữ phượt thủ bị thương rất nặng. Mặc dù đã được đưa vào bệnh viện để cứu chữa ngay sau đó nhưng cô gái vẫn không thể qua khỏi. 

Cô nữ sinh xinh đẹp tử nạn trên đường phượt Hà Giang 1
Chân dung G. - nữ sinh thiệt mạng trong chuyến phượt Hà Giang vừa qua.
Sự ra đi của nữ phượt thủ khiến tất cả những người trong đoàn cũng như những người mới biết tin vô cùng bàng hoàng, xót xa và hụt hẫng.

Sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, P.A - người có mặt trong chuyến phượt Hà Giang - vẫn chưa hết bàng hoàng viết status trên facebook cá nhân: "Bước chân về đến phòng... Nghĩ lại những gì đã xảy của những ngày trước đấy. Nó thật kinh khủng và tồi tệ với tao và với những đứa đã đi trong chuyến đi vừa rồi. Tao đã từng nghĩ nó là mơ, đã từng nghĩ mày chỉ là sợ quá hoảng ngất đi thôi... nhưng giờ thì tao phải hoàn toàn tin tất cả. Chứng kiến và bên mày lúc trong viện, khi mà xung quanh không có người lớn tao rất sợ, chỉ cố gắng bên mày những phút cuối. Giờ thì tao chả biết phải nói thêm gì, ngậm ngùi tiễn mày sang bên kia thôi. Buồn, hoang mang, hụt hẫng,... rất nhiều cảm xúc quanh tao bây giờ. Yên nghỉ nhé mày - bạn của tao."  

Theo tìm hiểu, nữ phượt thủ tử nạn trong vụ tai nạn này có tên là G.. Cô gái trẻ năm nay 21 tuổi đến từ Hải Dương và học tập tại Hà Nội. Ngoài đời, G. là 1 cô gái xinh xắn, hiền lành, rất yêu thích du lịch và cũng thường tham gia các chuyến phượt cùng bạn bè.

Vụ tai nạn xảy ra, cướp đi sinh mạng của G. và để lại niềm xót thương lớn lao cho người thân, bạn bè của cô nữ sinh trẻ tuổi, xinh đẹp. Trên trang cá nhân của J.K, rất nhiều người đã để lại những dòng chia buồn, mong bạn yên nghỉ ở thế giới bên kia.

Cô nữ sinh xinh đẹp tử nạn trên đường phượt Hà Giang 2

Cô nữ sinh xinh đẹp tử nạn trên đường phượt Hà Giang 3
Rất nhiều bạn bè đã để lại lời chia buồn và cầu mong G. yên nghỉ.

Trước đó, cộng đồng phượt trong nước cũng từng xôn xao trước những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên những cung đường phượt nguy hiểm. Nhiều người liên tục chia sẻ thông tin cũng như cảnh báo và khuyên mọi người hết sức cẩn thận khi du lịch cùng bạn bè, đặc biệt là những chuyến phượt tới các khu vực xa xôi, hiểm trở.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

ĐBQH: "Ngày càng nhiều cán bộ lười nhác muốn làm lãnh đạo"

Đó là những vấn đề đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 18/11.
ĐBQH: "Ngày càng nhiều cán bộ lười nhác muốn làm lãnh đạo" - 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dư luận phản ánh hiện nay những người có năng lực không vào nhà nước làm việc và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực này ngày càng nhiều. Ngược lại, người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước. Chính điều này làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
“Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?”, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, cơ chế sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ còn chậm; việc tuyển đầu vào cũng chưa hiệu quả, không tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới cơ chế đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức nhằm trọng dụng người có tài năng, làm được việc.
Bên cạnh đó, những người không có năng lực, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Bình cũng cho biết, đề án về tinh giản biên chế được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ cũng đã thông qua tập thể Bộ Chính trị và Bộ Chính trị cũng thống nhất thông qua, giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án, hoàn thiện tờ trình để xin ý kiến Trung ương trong kỳ họp tới
Ngoài ra, đề án tạo nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp giỏi xuất sắc, nhà khoa học trẻ cũng đã được xây dựng, đặt mục tiêu từ nay tới 2020 tuyển 1000 cán bộ nguồn; đề án đãi ngộ người tài cũng đang được trình Chính Phủ.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Tết Ất Mùi 2015 dự kiến được nghỉ 9 ngày

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tết Ất Mùi 2015 dự kiến được nghỉ 9 ngày - 1
Cán bộ, công nhân viên chức có thể sẽ được nghỉ Tết Âm lịch 2015 liên tục 9 ngày.
Cụ thể, dịp nghỉ Tết Dương lịch, công chức, viên chức đi làm thứ Bảy (27/12/2014) để nghỉ thứ Sáu (2/1/2015). Như vậy, dịp nghỉ Tết dương lịch, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ ngày 1/1 đến hết ngày 4/1/2015. Tống số ngày nghỉ của dịp này là 4 ngày nghỉ liên tục.
Dịp nghỉ Tết âm lịch, công chức, viên chức nghỉ Tết từ thứ Ba (17/2) đến hết thứ Bảy (21/2/2015), tức là từ ngày 29 tháng chạp năm Giáp Ngọ đến hết ngày mùng 3 tháng giêng năm Ất Mùi và nghỉ bù vào thứ Hai (23/2/2015), do ngày nghỉ hằng tuần thứ Bảy trùng ngày mùng 3 Tết.
Về hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức đi làm thứ Bảy (14/02/2015) để nghỉ thứ Hai (16/02/2015).
Như vậy dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ ngày 15/02/2015 đến hết ngày 23/02/2015 (tức là từ 27 tháng chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 5 tháng giêng năm Ất Mùi). Tổng số ngày nghỉ của dịp này là 9 ngày nghỉ liên tục với 4 ngày cuối năm Giáp Ngọ và 5 ngày đầu năm Ất Mùi.
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2015, dịp nghỉ Tết Dương lịch, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế lao động 1/5 có tình huống 1 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ.
Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5: Công chức, viên chức đi làm thứ Bảy (25/4/2015) để nghỉ thứ Hai (27/4/2015); đi làm thứ Bảy (9/5/2015) để nghỉ thứ Tư (29/4/2015). Như vậy, dịp nghỉ lễ này, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ ngày 26/4/2015 đến hết ngày 3/5/2015. Tổng số ngày nghỉ của dịp này là 8 ngày nghỉ liên tục.
Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Lương cán bộ quá cao trong khi lương công nhân thấp

Thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngày 11/11 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, vừa qua dư luận nói nhiều về một số doanh nghiệp công ích, lương cán bộ cao, lương công nhân thấp.
Lương cán bộ quá cao trong khi lương công nhân thấp - 1
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang)
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng đã nói đến kinh doanh, phải nói đến hiệu quả và động lực. Không có động lực, lương thưởng cho bản thân, lãnh đạo làm việc không có hiệu quả, họ chỉ làm cho qua chuyện.
Theo Đại biểu, vừa qua có thắc mắc lương của ông lãnh đạo cao còn người công nhân quá thấp. Nếu quy định nguyên tắc lương lãnh đạo cao thì lương công nhân cũng phải cao, xã hội không ai phàn nàn cả.
“Vậy trong đơn vị sản xuất, kinh doanh có nên phân loại và quy định nguyên tắc chênh lệch lương giữa cán bộ, người lãnh đạo và người công nhân không quá bao nhiêu lần không? Không quá 13 lần như bậc lương hiện nay của công chức không? Hay chúng ta không nhích lên quá 15, 20 lần”, đại biểu Tiên đặt vấn đề.
Xã hội sẽ không ai phản đối nếu lương lãnh đạo một đơn vị là 200 triệu, lương người công nhân 10 triệu. Khi lương cao như vậy, động lực phát triển có hiệu quả, doanh nghiệp mới giữ được vốn. Nếu cứ kiểm soát quá chặt, đồng vốn không sinh sôi, các doanh nghiệp sẽ không hoạt động hiệu quả.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cùng cho rằng vấn đề tiền lương, thù lao, tiền thưởng người quản lý doanh nghiệp quy định dự thảo Luật khá chung chung.
Dự thảo chỉ quy định tiền thưởng hàng năm của người quản lý doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Mức thưởng được xác định trên cơ sở của hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; mức hoàn thành nhiệm vụ xếp loại quản lý doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị quy định cụ thể để tránh trường hợp có sự chênh lệch quá lớn thu nhập giữa người quản lý và các đối tượng còn lại trong doanh nghiệp. Bởi nguồn vốn sử dụng trong doanh nghiệp là vốn nhà nước.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thước đo xác định tiền lương, thưởng, thù lao cho người quản lý trong doanh nghiệp là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành.
Ông đặt vấn đề: “Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công ích thì đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh dựa trên những tiêu chí nào?”.
Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao đối với người quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm để quy định.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạnh doanh nghiệp có lãnh đạo trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc.
Điều này chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhà nước, còn đối với các doanh nghiệp của tư nhân  không có hiện trạng này do đồng tiền của người ta bỏ ra.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là những vấn đề cần có sự điều chỉnh để làm sao tăng hơn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tránh gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước”, đại biểu Cường nói.

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Lương tối thiểu tăng đến 400 nghìn đồng/tháng từ 1/1/2015

Ngày 10/11, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. (Lưu ý, đây là mức lương dành cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp, không phải dành cho công chức, viên chức, người có công...).
Lương tối thiểu tăng đến 400 nghìn đồng/tháng từ 1/1/2015 - 1
Lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng
Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 (các quận và một số huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.
Vùng 2 tăng từ 2,4 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,9 triệu lên 2,15 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250 nghìn-400 nghìn đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.
Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
Không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất.
Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 10/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11 nghìn tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.
Như vậy, cùng với lương dành cho đối tượng hưởng từ Ngân sách Nhà nước, lương tối thiểu theo vùng đối với các đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2015.
Trước đó, ngày 6/8/2014, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400 nghìn đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300 nghìn - 350 nghìn đồng.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Tai nạn đường sắt trên cao: Coi rẻ mạng sống người khác

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 6/11, tại khu vực thi công Nhà ga Thanh Xuân III (đường Nguyễn Trãi) thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã xảy ra sự cố rơi thép khiến 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu đơn vị thi công đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh làm rơi đổ vật dụng xuống đường khi thi công. Vào tháng 9 năm ngoái, tại đoạn đối diện Bách hóa Thanh Xuân (Hà Nội), khi đang cẩu một thanh sắt dài khoảng 10m, đơn vị thị công đã để chiếc cần cẩu đổ nghiêng xuống đường – nơi đang có nhiều người qua lại. Dù sự cố không gây thương vong, nhưng đã khiến nhiều người đi đường hốt hoảng.
Coi rẻ mạng người, coi thường luật pháp?
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự cố sáng 6/11, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thép là vật có tải trọng lớn. Khi cần cẩu đưa thép từ thấp lên cao mà bị rơi như thế có thể do người ta buộc không chắc, neo không tốt hoặc bản thân cáp của cần cẩu không còn đủ độ bền.
Tai nạn đường sắt trên cao: Coi rẻ mạng sống người khác - 1
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
“Cũng có thể trong quá trình làm, do tác động của động lực khiến neo tuột ra hoặc đứt dây làm rơi thép. Tất nhiên, khi thép bị rơi sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của những người tham gia giao thông và hậu quả ra sao chúng ta đã thấy.
Nhiều khi đứt dây như vậy còn có thể gây lật cẩu và hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi nghĩ với trường hợp cụ thể này, nguyên nhân là do đứt dây buộc thép”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng đó chưa phải là nguyên nhân chính.
Theo ông Hùng, lẽ ra trước khi thi công người ta phải rào chắn để đảm bảo an toàn. Thậm chí người ta phải làm các giàn đỡ ở trên để nếu thép có rơi xuống thì sẽ không bị văng ra chỗ khác, gây nguy hiểm.
Hơn nữa, họ cũng phải chọn thời điểm thi công sao cho phù hợp và phải có cảnh báo với người đi đường về khu vực đang thi công nguy hiểm. Đằng này giàn đỡ cũng không có, giờ thi công lại là giờ cao điểm, không có cảnh báo. Quá nguy hiểm!
Ông Hùng nhận xét, làm việc thiếu trách nhiệm, tắc trách như vậy là họ coi thường tính mạng của người khác, coi thường luật pháp cụ thể là các quy định về an toàn lao động. Nói cách khác, họ đã bất chấp nguy hiểm tính mạng của con người mà làm cho xong bằng mọi giá.
“Đơn vị thi công trực tiếp, nhà thầu, đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm về việc này. Theo tôi, vụ việc trên khiến 1 người chết, ta phải xử lý hình sự. Vụ việc này không chỉ khiến gia đình nạn nhân xấu số đó phải chịu nỗi đau quá lớn mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bất an trong xã hội.
Tôi nghĩ không phải vì áp lực tiến độ mà họ thi công ẩu như thế. Quan trọng ở chỗ họ có coi trọng tính mạng con người hay không thôi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tai nạn đường sắt trên cao: Coi rẻ mạng sống người khác - 2
Hiện trường vụ tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương
Cũng theo vị chuyên gia này, tính mạng của con người là vô giá. Tuy nhiên nhiều người nhà nạn nhân lại chấp nhận thương lượng, thỏa thuận bồi thường vì nghĩ đằng nào vụ việc thương tâm cũng đã xảy ra, người mất cũng đã mất, họ không muốn làm lớn chuyện. Nhưng xin hỏi phải bồi thường bao nhiêu cho đủ và liệu số tiền đó có làm sống lại con người được không?
“Theo tôi không thể dùng tiền để xử lý mọi việc được bởi nỗi đau họ gây ra là quá lớn. Cần phải xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan”, ông Hùng khẳng định.
Nên xử lý thế nào?
Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, TS Nguyễn Duy Tiến – Phó trưởng Bộ môn Cầu hầm, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thép bị rơi khỏi cần cẩu trong quá trình thi công. Chẳng hạn, do họ buộc không chặt hoặc trong quá trình di chuyển thép bị va chạm vào đâu đó. Cũng có thể do cần cẩu bị tuột móc, đứt xích…
“Phải có mặt ở hiện trường quan sát mới có thể biết nguyên nhân chính xác dẫn tới việc rơi thép là gì và hướng xử lý ra sao cho phù hợp”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, ở nước ngoài hay ở Việt Nam, khi có sự cố như vậy xảy ra, quy trình xử lý đều như nhau: Trước tiên, ta yêu cầu họ dừng thi công, kiểm tra tất cả các bộ phận, công đoạn, hiện trường; có thể cơ quan điều tra sẽ đo đạc, tính toán xem do thiết kế, do thi công hay do thời tiết… Sau đó, họ đưa ra kết luận rồi lập biên bản, xử lý các cá nhân, đơn vị có liên quan.
Về việc bồi thường cho các nạn nhân, nếu nhà thầu mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả, còn nếu không, đơn vị thi công sẽ phải bỏ tiền túi để bồi thường

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

"Sao chúng ta không thể bênh chính người Việt mình"?

Cân bàn 60 kg | Cân bàn 100 kg | Cân bàn 150 kg | Cân bàn 200 kg | Cân bàn 300 kg

Trong khi người Singapore cố gắng giúp đỡ vị khách du lịch Việt Nam gặp nạn để bảo vệ hình ảnh của họ, thì không ít trong chúng ta lại lạnh lùng, hả hê và chê bai người đàn ông ấy.

Ai ngờ đâu mình chẳng bênh nhau...

Người đàn ông mặc áo xanh, đôi mắt ngấn nước đau khổ, cầu xin trong tiếng cười cợt của gã chủ cửa hàng nào đó ở một đất nước xa lạ. Thật không may cho người đàn ông ấy, anh đã mua hàng ở một trong những nơi mà khách du lịch tránh xa mỗi khi đặt chân tới đảo quốc Sư tử tráng lệ. Ôi, cuộc đời đâu ai học được chữ ngờ. 

Nhưng chữ ngờ của người bị lừa chắc chẳng đắng cay bằng chữ ngờ ngay sau đấy, khi mà những hình ảnh của anh ngập tràn trên mạng xã hội, câu chuyện của anh được cư dân mạng truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt. Ở đây, chúng ta một lần nữa lại phải nhắc đến lực lượng "cư dân mạng". Đó không phải là toàn bộ những người dùng Internet, không phải là tất cả thành viên của mạng xã hội rộng lớn này, nhưng thực sự là một "cộng đồng đông đảo và... rất thích lớn tiếng". Lớn tiếng để soi mói chỉ trích. Lớn tiếng để a dua mà không cần biết thực hư sự việc. Và trong nhiều tình huống, còn là lớn tiếng để che đi một trái tim lạnh lùng, thiếu chia sẻ cảm thông.

Trong một câu chuyện mà người Việt chúng ta là người thiệt thòi, người Việt bị lừa đảo, thì cái lực lượng ấy, ngay ở những câu comment đầu tiên, đã lập tức soi mói và phân tích về những chuyện rất không liên quan. Người ta thông cảm cho anh thì ít, mà lên tiếng chế giễu anh thì nhiều. Ô hay! Lương có 4 triệu/ tháng mà cũng đi Sing! Ô hay! Tiền đã không có còn cố đấm ăn xôi mua Iphone 6! Ô hay! Sĩ gái đến thế là cùng! Ô hay! Đụng tí là khóc lóc, xấu hổ quá! Mà cái cô bạn gái kia, bạn trai nghèo thế mà cũng nhận cái iPhone 6 cho được! Vân vân và vân vân.

Những comment đó tràn lan đến nỗi hầu như ai cũng có thể đọc vanh vách nếu được hỏi "cư dân mạng" Việt Nam nói gì về câu chuyện này. Chẳng phải vì không có những người bênh vực, cảm thông và phẫn nộ. Mà vì lực lượng này đông đảo quá, khiến những cảm xúc tốt đẹp kia cứ như những giọt nước nhỏ rơi lõm bõm xuống biển sâu.

Ai mà học nổi chữ ngờ này cơ chứ, ai mà học nổi chữ ngờ rằng, dù ta không sai, dù ta đang bị thiệt thòi mà chẳng ai lên tiếng bênh vực ta. Ngược lại, họ lên án và chê bai ta. 

Một chữ ngờ khác nữa lúc này lại đến, và chúng ta cũng chẳng thể... ngờ tới. Đó là khi những người bạn Singapore cùng nhau nắm tay, giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông ấy, lùng sục và tìm cách trừng phạt kẻ gây ra tội lỗi kia. Chẳng ai hỏi, chẳng ai cười cợt, cũng chẳng ai chê bai anh kia ít tiền, anh kia khóc lóc. Tất cả những gì họ làm là chia sẻ, là xót thương. Họ chẳng những không chê bai anh là tiền ít mà đòi chơi sang, họ ngưỡng mộ anh đã cố gắng, đã galant để làm vui lòng bạn gái. Họ tìm cách giúp đỡ, họ giang tay với người đàn ông kia, thậm chí họ còn cùng nhau quyên góp tiền và này, họ còn đưa ra vài lời mời công việc cho người đàn ông ấy. Họ dở hơi quá, phải không? Chẳng phải chuyện của mình, chẳng phải người nước mình mà cũng cuống lên tìm cách giúp đỡ. 

Họ làm điều đấy cho người anh em, người bằng hữu của chúng ta đấy. Nhưng hơn hết là họ làm để giữ hình ảnh đẹp của chính mình. Họ bảo nhau, phải làm thế nào để hình ảnh người Singapore không bị xấu đi trong mắt khách du lịch, phải giữ thể diện cho đất nước họ. Và trong khi họ cùng nhau chung tay làm những điều tốt đẹp đó, chúng ta đã làm được gì cho người anh em, người bằng hữu của mình ngoài những lời chỉ trích và sự hả hê lạnh lùng?

Cùng một sự việc, ấy thế mà hai cách cư xử khác nhau quá đỗi. Đến lúc này, có thật rằng người đàn ông kia đáng xấu hổ đến thế vì đã khóc lóc, vì đã "sĩ diện" với bạn gái, hay chính chúng ta - lực lượng "cư dân mạng" mới phải tự xấu hổ về cách cư xử nhỏ nhen và lạnh lùng của bản thân với chính người Việt mình? 

"Sao chúng ta không thể bênh chính người Việt mình"? 1
Người Sing đang tìm cách chuộc lại lỗi lầm của một cá biệt trong số họ, họ đang giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông kia.
Và chuyện của những "cư dân mạng" giả tạo như chúng ta

Chẳng lẽ, ai đó sẽ không thể đường hoàng mang tiền mình kiếm được ra bằng mồ hôi nước mắt để mua một món quà đắt tiền cho bạn gái, chỉ vì "cư dân mạng" chúng ta lớn tiếng bảo rằng đừng có mà đua đòi? Chẳng lẽ, chúng ta là những kẻ chỉ cần thấy ai đó thua thiệt hơn mình là tìm đủ mọi cách để dìm họ sâu xuống đại dương của nỗi tủi hổ? Chẳng lẽ, chúng ta quyền lực đến mức, tự cho mình cái quyền phán xét người khác và bắt họ sống theo chuẩn mực đạo đức của riêng mình? 

Không đâu bạn ạ, không một chút nào. Bạn không có quyền lên án, bởi thực ra, bạn cũng đâu quan tâm đến việc câu chuyện đó đúng hay sai đâu phải không? Bạn cũng chẳng quan tâm đến xã hội này đang xấu lên hay tốt đi. Tất cả những gì bạn đang nói, chỉ là để thỏa mãn sự tự ti và nhỏ nhen bên trong trái tim của mình mà thôi. 

Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy câu chuyện tươi sáng hơn rất nhiều. Rằng đã có những người đàn ông tốt bụng như vậy, đã có những người thực hiện mong muốn của mình bằng đôi bàn tay, dù có khó khăn hay vất vả nhưng họ đã cố gắng hết mình. 

Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy rõ rằng chẳng ai khác ngoài chính người đàn ông ấy, người đàn ông Việt Nam ấy bị thiệt thòi, bị bắt nạt, bị lừa đảo ở nơi đất khách. Và người bị lên án ở đây không phải là người đàn ông đã cố gắng tiết kiệm để mua quà cho bạn gái, mà là người bán hàng ngoại quốc kia.

Và nếu bạn quan tâm, bạn hẳn đã nhìn thấy cách người Singapore quan tâm đến câu chuyện này như thế nào. Họ cho thấy sự quan tâm thật sự, họ cố gắng giải quyết vấn đề để giữ hình ảnh của mình bằng mọi giá. Và họ đã làm được, họ đã để cho cả thế giới thấy, cho tất cả chúng ta thấy, đất nước của họ chỉ có duy nhất cửa hàng kia là cá biệt, và họ đang bài trừ để không còn trường hợp như vậy xảy ra nữa. Họ cho ta thấy, nếu chúng ta gặp nạn trên đất nước của họ, sẽ có rất nhiều những cánh tay chìa ra giúp đỡ. 

Bởi nếu bạn quan tâm, bạn sẽ chẳng nỡ buột miệng chê bai chính người Việt mình đang phải chịu thiệt thòi nơi đất khách. Bởi nếu bạn quan tâm, khi đó bạn sẽ có tình yêu và lòng tôn trọng.

"Sao chúng ta không thể bênh chính người Việt mình"? 2
“Chúng ta đổ lỗi cho cộng đồng, trong khi chính chúng ta là cộng đồng. Vậy nên để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải thay đổi chính mình trước”. Đó là một câu nói hay, và chắc chắn là nó đúng. Đừng mơ tưởng đến một thế giới tốt đẹp khi chính chúng ta không đang tự dọn dẹp lại cuộc sống của mình. Đừng nghĩ đến những con người hoàn hảo, những đạo đức chuẩn mực trong khi chính chúng ta cũng không theo đuổi được những chuẩn mực đó. 

Hơn ai hết, hãy bao dung với đồng loại. Đừng lấy những gì xấu xí, những gì kì thị để gán vào họ chỉ bởi vì họ không sống theo chuẩn mực của riêng mình. Nhìn người khác với con mắt tôn trọng, yêu thương và bảo vệ. Đó thực mới là cách để chúng ta tiến đến gần hơn cái cuộc sống lý tưởng và đưa cái chuẩn mực mà ta hằng ao ước đến với tất cả mọi người.

Sao nào, chỉ vậy thôi, liệu chúng ta có làm được không?

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn

Những người "tí hon" khốn khổ

Không được lành lặn như người bình thường, anh Nguyễn Văn Cúng (49 tuổi, quê ở An Thạnh Tây, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) từ nhỏ đã bị căn bệnh quái ác hành hạ, toàn thân biến dạng. Đôi chân của anh bây giờ chỉ còn da bọc xương, biến dạng và gấp khúc ở từng khớp xương. Mỗi lần di chuyển, anh phải dùng tay kéo lê thân thể mình, mọi sinh hoạt hàng ngày của anh gặp muôn vàn khó khăn.

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 1
Mỗi lần di chuyển, anh Cúng phải dùng tay kéo lê cả thân thể mình.

Không chỉ đôi chân tật nguyền, anh còn bị gù lưng, xương sườn phía trước nhô ra giống một "dị nhân". "Tuổi thơ bất hạnh của tôi bắt đầu từ khi lên 5 tuổi, lúc đó mụn nhọt mọc khắp cơ thể, đụng vào đâu trên người cũng thấy đau nhức. Ba mẹ được mọi người mách bảo tìm các loại thuốc nam đắp lên nhưng vẫn không đỡ. Sau đó, ba mẹ đưa tôi tới bệnh viện, bác sĩ bảo phải cưa chân nếu không sau này sẽ tàn phế" - anh Cúng bộc bạch.

Nghe bác sĩ nói vậy, quá thương con, cha mẹ anh Cúng không đành lòng để bác sĩ cưa chân mà quyết định đưa con về nhà tìm cách chữa trị. Mẹ anh lại tìm đến thuốc nam để mong cứu vớt sức khỏe của anh.

"Sau 1 năm uống thuốc, những mụn nhọt ở chân tôi đã hoàn toàn biến mất. Thế nhưng, niềm vui đến chưa được bao lâu thì khối u ở lưng tôi bắt đầu xuất hiện. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền tiếp tục chạy chữa, khối u ở lưng càng nhô lên bao nhiêu thì đôi chân của tôi bắt đầu teo lại, toàn bộ xương sườn trước ngực khom xuống"- anh Cúng cho biết thêm.

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 2
Chị Thơm hàng ngày vẫn bươn chải bán vé số để lo cho chồng con.
Từ đó cho đến nay, anh Cúng luôn phải sống với thân thể đau nhức. Những lúc thời tiết thất thường, anh gần như không làm gì được vì khối u hành hạ khiến anh tê liệt hoàn toàn. 

Chị Vũ Thị Thơm (42 tuổi, quê ở xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có chút may mắn hơn chồng mình là tay chân vẫn lành lặn nhưng đau đớn thay, khi sinh ra, chị lại mắc bệnh bẩm sinh, chân tay không phát triển. Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, cơ thể chị Thơm vẫn chỉ như một đứa trẻ. Chị cho hay: "Lúc sinh ra, tôi đã "tròn ủm" rồi, nên giờ lớn lên, tay chân chỉ "cụt ngủn" như thế này thôi. Ba mẹ tôi vẫn bình thường nhưng không hiểu sao tôi bị như vậy. Với chiều cao chỉ khoảng 1 mét, hằng ngày, tôi phải lặn lội khắp thành phố để bán vé số, kiếm chút tiền nuôi sống bản thân.".

Cổ tích tình yêu

Năm 2001, anh Cúng từ miền Tây lên Sài Gòn với hy vọng tìm được một công việc để làm. Tuy nhiên với cơ thể tật nguyền, cao chưa đầy 1 mét, anh không thể tìm được việc gì khác ở chốn thành thị ngoài việc đi bán vé số mưu sinh. 

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 3
Cặp vợ chồng "tí hon" hạnh phúc bên cậu con trai.

Như có duyên nợ từ trước, anh Cúng và chị Thơm gặp nhau trong một lần đi bán vé số, thấu hiểu hoàn cảnh, đồng cảm cùng nhau, dần dần, hai người đã đến với nhau. "Vốn cơ thể tật nguyền, sống cô đơn một mình nên mỗi lần gặp những người đồng cảnh ngộ, tôi đều hỏi han, làm quen. Lần ấy cũng vậy, khi gặp Thơm, tôi cũng hỏi thăm, bắt chuyện và chúng tôi có một sự đồng cảm đặc biệt. Từ đó, chúng tôi thường hay đi bán vé số chung, dần dần thấu hiểu được hoàn cảnh của nhau, cùng chung khốn khó nên quyết định kết duyên với nhau để cùng chia sẻ khó khăn" - anh Cúng chia sẻ. 

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 4
Hiện tại, anh Cúng chỉ ở nhà chăm sóc các con, còn vợ anh đi bán vé số.

Hai con người đồng cảnh ngộ quyết định thuê nhà ở ghép cùng với hai vợ chồng người cháu ở quận Gò Vấp (TP. HCM), mỗi tháng phải trả khoảng 1,2 triệu đồng. 

Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 5
Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng anh chị vẫn rất lạc quan và cùng nhau vượt qua khó khăn, nuôi dạy các con cho tốt.
Cổ tích tình yêu của cặp vợ chồng "tí hon" giữa Sài Gòn 6
Mỗi khi anh Cúng bị đau đầu, chị Thơm đều chăm sóc chồng chu đáo.

Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng anh Cúng còn rất nhiều bộn bề và vất vả nhưng cả hai thường bảo nhau "có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chỉ cần được sống với nhau là hạnh phúc rồi". Mỗi tháng, gia đình anh chị được địa phương ở quê anh trợ cấp một khoản tiền 400 nghìn đồng cho người khuyết tật. Số tiền chị Thơm đi bán vé số hàng ngày được khoảng 100.000 - 150.000 đồng, cả nhà phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ.

Mấy năm sau khi về sống chung, anh chị vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Cách đây 2 năm, gia đình nhỏ của anh chị lại đón thêm thành viên thứ 2, niềm vui như càng được nhân lên gấp đôi. Hiện tại, con trai đầu lòng của anh chị đã 7 tuổi, cậu út 2 tuổi, may mắn là các cháu đều phát triển bình thường, không có dấu hiệu bệnh tật hay di truyền gì từ bố mẹ.

"Có thêm miệng ăn và còn phải tính chuyện học hành của 2 đứa đứa nhỏ nên chồng tôi phải nghỉ bán vé số, ở nhà chăm con. Dù biết còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để nuôi nấng con nên người”- chị Thơm tâm sự.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Hà Nội ngày trở gió, ai đó có lạnh không?

Bỗng thấy Hà Nội ngày trở gió mang đến chút gì đó hanh hao không phải của nắng cũng không phải của gió mà là của lòng người, của những vụng dại mới yêu…

Khẽ nhấp ngụm café, vị đắng len lỏi vào từng giác quan. Bất giác tiếng chuông gió leng keng, chạm vào nhau khi cơn gió từ đâu ùa về. Thành phố những ngày chuyển mùa cứ dùng dằng, đủng đỉnh chẳng thể nắm bắt được. Con phố tan tầm ngày chủ nhật buồn lặng lẽ khép mình co ro một góc, gió lạnh ùa về siết chặt nỗi nhớ… Hà Nội gọi gió về, gọi yêu thương vọng lại theo tiếng lá rơi xạc xào và gọi chùm hoa sữa gương mình nở muộn. Hà Nôi ngày trở gió, ai đó có lạnh không?

Em vẫn muốn mùa đông đến thật nhanh, nhưng rồi lòng cứ sợ thu đi nỗi buồn biết gửi vào đâu. Nhưng hôm nay, gió về chợt nhận ra vòng quay thời gian những ngày chuyển mùa dường như chỉ nhích dần từng chút một, êm ái, da diết. Có người sẽ mỉm cười khi được ôm trọn cả bầu trời bình yên rồi vỗ về bằng ánh mắt dịu dàng. Có người bỗng thấy nhức nhối, buồn tênh đến lạ vì ngày Hà Nội trở gió là ngày ngược đường yêu thương, tìm hoài khoảng trời chốn xưa nhưng mải miết và vô vọng… Kì lạ thay, cảm xúc vo tròn và chắp ghép từ những mảnh vỡ của quá khứ êm đềm và nỗi nhớ chưa vơi…

Tự nhắc bản thân mình đông sắp đến rồi, cái lành lạnh đầu mùa mơ hồ như con gái chớm yêu. Ừ thấy lạnh vì gió lùa tê tái nhưng vẫn thấy ấm vì trái tim chẳng còn khép kín được nữa… Gió về, ai đó có lạnh không?

Thẫn thờ ngồi dựa vào ghế đá ven hồ, ngơ ngác nhìn những chiếc xe chuyển bánh mà lòng lưu luyến đến lạ. Bến xe cũ vì chẳng bao giờ mới thêm được nữa, còn những chiếc xe vẫn lăn đều đều trên vô vàn xa lộ thênh thang. Siết chặt bàn tay đang cài vào nhau, lắng nghe phố gọi mùa về, tiếng bước chân đều đều, vội vã của những gánh hàng rong làm trỗi dậy một Hà Nội xưa êm ả. Gió vẫn thổi, vẫn ru êm những ngày đông sắp tới gần…

Hà Nội ngày trở gió, ai đó có lạnh không? 1


Vòng quay của những chiếc xe xích lô miệt mài từ bao đời nay với phố cỗ dường như đều đều, chầm chậm hơn thì phải; nét mặt ảm đạm, thoáng buồn của người đạp chiếc xe này mang nét khắc khổ nhưng gương mặt luôn ấm áp. Cô gái xoa xoa đôi bàn tay lặng lẽ ngắm nhìn mặt hồ buổi sáng mai bất giác í ới gọi theo gánh hàng qua đủng đỉnh trên phố. Qua lăng kính của thợ ảnh chắc khoảng khắc này tinh khôi và đậm chất Hà Nội xưa cổ biết bao nhiêu…

Gió về. Gió ru ngủ từng mái phố chằng chịt những dây hoa leo buông thõng xuống mặt đường, một chút gì đó gợi nhớ gợi quên luộm thuộm trong trái tim thèm yêu của ai đó… Bất giác một chiếc lá rơi nghiêng theo chiều ngược gió, đậu lại trên mặt nước đầu ngày tĩnh lặng. Hà Nội thật động giữa vô vàn cái tĩnh nhưng xô bồ…Thật nghịch lý nhưng là cái nghịch lý ngọt ngào và êm đềm của Hà Nội.

Bỗng thấy Hà Nội ngày trở gió mang đến chút gì đó hanh hao không phải của nắng cũng không phải của gió mà là của lòng người, của những vụng dại mới yêu… Gọi chút kỉ niệm của quá khứ ùa về vẫy vùng một lát rồi để nó con tim ngủ yên với lựa chọn mới. Gọi nỗi nhớ chênh vênh đổ ào qua từng noron thần kinh và trôi tuột đi thật nhanh nhé. Ngày nhẹ nhàng, mùa miên man có gì ta cứ phải loay hoay với những điều xưa cũ…

Hà Nội ngày trở gió, để trái tim bình yêu và sâu lắng một chút nhé. Hít thở và tận hưởng những ngày cuối thu…

Hà Nội ngày trở gió, ai đó có lạnh không?